Tổng quan về học bổng
Chương trình Học bổng Nghiên cứu sau Đại học của Chính phủ
Ireland do Hội đồng Nghiên cứu Ireland (Irish Research Council) quản lý, và thường
được các sinh viên Việt Nam gọi tắt là học bổng IRC. Học bổng này còn được xem
là một hình thức tài trợ dự án (project funding) vì nghiên cứu sinh (NCS) sẽ được
đứng tên trong dự án nghiên cứu do mình đề xuất, được tài trợ toàn phần bởi IRC.
Một điểm cộng của học bổng này là các NCS không cần xuất trình
bất cứ giấy tờ nào cả (trừ bảng điểm và bằng đại học) vì năng lực nghiên cứu cả
các NCS đã được thể hiện qua đề cương nghiên cứu (research proposal) và rất nhiều
bài luận cá nhân (personal statement), cũng như nhiều câu hỏi liên quan đến quản
lý dự án (project management), v.v.
Đối tượng được ứng tuyển:
- Nhóm 1 (ưu tiên): sinh viên EU – tỷ lệ đậu 18% trên
tổng hồ sơ hợp lệ
- Nhóm 2 (cạnh tranh): sinh viên ngoài EU – tỷ lệ đậu
5% trên tổng hồ sơ hợp lệ
Lưu ý: “hồ sơ hợp lệ” là hồ sơ đã được giáo sư chấp nhận hướng
dẫn và một trường ĐH ở Ireland đồng ý phê duyệt, đồng thời thỏa mãn đầy đủ yêu
cầu của IRC.
Chuyên ngành được ứng tuyển: Thạc sĩ nghiên cứu và Tiến
sĩ ở tất cả chuyên ngành.
Học bổng bao gồm:
- Chi trả học phí (mức phí EU): tối đa €5,750/năm.
IRC sẽ trả trực tiếp học phí của chương trình nghiên cứu cho trường ĐH, và
phần học phí còn lại (nếu chưa được IRC chi trả hết) trường cũng sẽ miễn
cho NCS đạt được học bổng này. NCS sẽ chỉ chịu một khoản phí quản lý cho
toàn bộ khóa học, tuy nhiên khoản phí này không đáng kể.
- Sinh hoạt phí: €18,500/năm. Trường sẽ chia khoản tiền
này để trả tiền sinh hoạt hàng tháng cho các NCS. So với các học bổng
khác, mức sinh hoạt phí của IRC khá tốt.
- Chi phí nghiên cứu trực tiếp: €3,250/năm. NCS sẽ được
tài trợ máy tính/ laptop nghiên cứu ở năm đầu tiên với ngân sách €1000,
ngoài ra các chi phí liên quan đến nghiên cứu đều sẽ được chi trả trong hạn
mức nêu trên.
Hình thức nộp hồ sơ: nộp một lần duy nhất qua hệ thống
trực tuyến của IRC (không có vòng phỏng vấn), sẽ bao gồm bốn bên tham gia vào
quá trình nộp đơn: nghiên cứu sinh (applicant), người giới thiệu học thuật
(academic referees), các giáo sư hướng dẫn (primary and secondary supervisor, phòng
Hỗ trợ Nghiên cứu (Research Support Office) của trường đại học Ireland mà NCS sẽ
theo học.
Các mốc thời gian:
- Mở đơn và nhận hồ sơ: đầu tháng 9 hàng năm
- Hạn nộp hồ sơ của applicant: cuối tháng 10 hàng năm
- Hạn nộp thư của academic referees: đầu tháng 11
hàng năm
- Hạn nộp thư của supervisor: đầu tháng 11 hàng năm
- Hạn phê duyệt của Research Support Office: đầu
tháng 11 hàng năm
- Thông báo kết quả: vào khoảng tháng 3-4 năm sau.
Thông tin chính thức: https://research.ie/funding/goipg/?f=postgraduate
Kinh nghiệm nộp hồ sơ ứng tuyển
Để có một hồ sơ hoàn chỉnh, các NCS cần chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển
trước một năm (nếu chưa có đề cương nghiên cứu – research proposal), hoặc ít nhất
trước ba tháng khi học bổng mở đơn và NCS đã có sẵn research proposal. Điểm mấu
chốt để có một bộ hồ sơ hoàn chỉnh là NCS cần phải có sự đồng ý hướng dẫn của
ít nhất một giáo sư Ireland và một proposal hoàn chỉnh trước thời điểm học bổng
mở đơn, vì thời gian hoàn thiện các bài luận cũng như hối thúc các bên rất tốn
thời gian.
Bước 1: Tìm giáo sư hướng dẫn và chỉnh sửa proposal theo ý
giáo sư.
Điều kiện tiên quyết là NCS phải có một proposal hoàn thiện,
chứ không phải là ý tưởng chưa rõ ràng. Đồng thời, NCS cũng cần chứng minh năng
lực nghiên cứu qua các publications (nếu có) và khóa luận (dịch lại hoặc viết
tóm tắt lại bằng tiếng Anh như một bài nghiên cứu – research paper).
Việc tìm kiếm một giáo sư phù hợp cũng rất mất thời gian, giống
như nộp đơn xin việc. Các NCS cần vào danh sách khoa của các trường đại học tìm
hiểu về profile của các giáo sư. Giáo sư phù hợp, theo kinh nghiệm cá nhân mình,
là người có ít nhất 01 papers xuất bản cùng lĩnh vực nghiên cứu với bạn, và sử
dụng phương pháp nghiên cứu (research methodology) gần giống như proposal của
NCS. Bên cạnh đó, NCS cũng cần phải kiểm tra xem yêu cầu đầu vào của trường đại
học mà giáo sư đang công tác, để tránh mất thời gian cho cả đôi bên.
Kinh nghiệm viết email để tìm giáo sư hướng dẫn đã có rất nhiều
thông tin trên Internet, bài viết này khá dài nên mình sẽ không đề cập nhiều về
vấn đề này.
Bước 2: Liên hệ với Research Support Office của trường.
Sau khi nhận được sự đồng ý hướng dẫn của một giáo sư, NCS cần
liên hệ ngay với Research Support Office của trường để xin thêm thông tin hướng
dẫn của trường. Đây cũng là đầu mối quan trọng liên quan đến application mà các
NCS cần phải liên hệ đầu tiên.
Thông thường, các trường sẽ cung cấp dịch vụ internal review
(miễn phí) cho các đơn nộp học bổng IRC, và dịch vụ này được quản lý bởi
Research Support Office của trường. Để sử dụng dịch vụ này, NCS phải hoàn thiện
tất cả hồ sơ trước hạn ít nhất 2 tuần. Mình khuyên các bạn nên sử dụng dịch vụ
này, vì trường sẽ đánh giá thang điểm cho application của NCS tương tự như một
external examiner của học bổng IRC, từ đó bạn sẽ ước lượng số điểm của hồ sơ,
và họ cũng gợi ý một số cách để cải thiện số điểm này. Năm 2021 (nộp hồ 2020),
điểm sàn để nhận được học bổng cho đối tượng Nhóm 2 (ứng viên ngoài EU) là 93/100.
Bước 3: Hoàn thiện hồ sơ, và hối thúc các bên tuân thủ hạn
nộp.
Trong hồ sơ học bổng IRC, ngoài research project (chiếm trọng
số 40%), phần profile của ứng viên cũng rất quan trọng (chiếm 40%), bên cạnh career
development (10%) và Academic institutes (10%). Những câu hỏi về phần profile sẽ
giống như personal statement của các học bổng khác, career development về kế hoạch
phát triển nghề nghiệp trong tương lai, và Academic institutes – sự phù hợp giữa
ứng viên và môi trường học thuật ở trường ĐH Ireland mà ứng viên sẽ theo học.
Những câu hỏi khó nhất, theo cá nhân mình, là những câu liên
quan đến Research ethics và data management – đây là những điều mà trường ĐH Việt
Nam không giảng dạy. Các ứng viên cần phải tham khảo ít nhất một người hoạt động
trong lĩnh vực nghiên cứu ở nước ngoài để viết tốt phần này. Một phần nữa cũng
rắc rối đó là plans for the dissemination. Để hoàn thiện phần này, NCS cũng phải
có kinh nghiệm trong vấn đề xuất bản nghiên cứu trên tạp chí, hội thảo quốc tế,
sách chuyên khảo.
Như đã đề cập ở trên, có nhiều bên tham gia vào hồ sơ ứng tuyển,
không chỉ có applicant. Vì vậy, NCS cũng cần theo dõi tiến độ, và hối thúc các
bên hoàn thành đúng hạn.
Chúc các bạn có một hồ sơ ứng tuyển thành công.
0 Comments